Giải quyết khách không chịu trả nhà khi hết hạn hợp đồng

  • 47

Hiện nay, xuất hiện nhiều trường hợp khách thuê hết hạn hợp đồng thuê nhà những vẫn cố tình không chịu dọn đi, dù chủ nhà đã ngưng hợp đồng thuê và tỏ rõ ý định muốn lấy lại nhà. Thực ra trường hợp này không nhiều nhưng cũng không phải hiếm. Nó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ nhà và một số trường hợp gây nên nhiều rắc rối cho cả hai bên, thậm chí dính đến cả pháp luật.

Khách không chịu trả nhà khi hết hạn hợp đồng

Anh Đắc Hoàng, một doanh nhân ngụ tại quận Tân Phú, có một căn nhà cho thuê tại quận 12 với giá là 9 triệu đồng / tháng. Theo lời anh kể thì hợp đồng cho thuê nhà được ký mỗi 2 năm, khách dùng để ở và làm văn phòng. Hợp đồng đã được ký lại 1 lần, tức là khách đã thuê được 4 năm và hợp đồng đã kết thúc hơn 3 tháng.

Anh cho biết là con trai anh dự định sang năm sẽ làm đám cưới, nên anh muốn lấy lại căn nhà đang cho thuê để sửa lại cho con. Anh đã cẩn thận thông báo cho khách 2 tháng trước khi hết hạn hợp đồng, thế nhưng đến khi kết thúc hợp đồng khách thuê vẫn chưa có ý định dọn đi. Anh đã nhiều lần nhắc nhở và qua tận nơi để yêu cầu trả nhà, nhưng khách xin khất hẹn thêm 1 tháng và tiếp tục trả tiền nhà. Nhưng đã 3 tháng trôi qua mà khách vẫn chưa có dấu hiệu sẽ chuyển đi, nên tháng này anh Hoàng nhất quyết không lấy tiền nhà nữa mà yêu cầu khách phải dọn đi ngay. Vì chỉ còn vài tháng nữa là qua năm mới, sợ không kịp sửa nhà cho vợ chồng con trai sắp cưới về ở. Thế nhưng, đổi lại chỉ là sự im lặng và nhùng nhằng không chịu dọn khỏi nhà cho thuê.

Hướng giải quyết nếu khách không chịu trả nhà

Đối với việc khách không chịu trả nhà khi hết hợp đồng thuê, chủ nhà có thể dựa vào pháp luật để giải quyết. Vì trong bộ luật của nước ta có quy định rõ 2 điểm như thế này:

Đầu tiên, căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 131 Luật Nhà ở năm 2014. Trong điểm này có đề cập khi hợp đồng thuê nhà ở hết hạn thì chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở. Chủ nhà có quyền ký hoặc không ký tiếp hợp đồng cho thuê nhà với khách thuê hiện tại, và hoàn toàn có quyền yêu cầu người thuê nhà trả lại nhà.

Trong khi đó, khoản 4 Điều 482 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, khi bên thuê chậm trả tài sản thuê (nhà, phòng trọ,…) thì bên cho thuê nhà có quyền yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê, đồng thời phải trả tiền thuê trong thời gian chậm trả nhà đồng thời phải bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, bên thuê phải chịu tiền phạt do vi phạm chậm trả tài sản thuê, nếu có thỏa thuận điều này có thể hiện trong hợp đồng thuê nhà.

Thứ hai, căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, trường hợp hết hạn hợp đồng thuê nhà mà khách thuê không chịu chuyển đi để trả lại nhà cho chủ nhà có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng về hành vi “sử dụng trái phép tài sản của người khác”.

Căn cứ Điều 177 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100 triệu đồng trở lên đã đủ điều kiện để xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này. Hoặc nếu đã từng bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “sử dụng trái phép tài sản”. Khung hình phạt thấp nhất đối với tội danh này là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu chủ nhà gặp trường hợp tương tự như anh Đắc Hoàng, hết hạn hợp đồng đã báo trước nhưng khách thuê nhà dùng dằng không chịu trả lại nhà thì chủ nhà có thể báo công an và dựa vào pháp luật để xử lý người vi phạm đúng theo quy định của pháp luật. Không được tự ý sử dụng vũ lực hoặc thuê người đến gây khó dễ cho khách thuê, vì việc này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn và có thể chủ nhà sẽ rước thêm nhiều thiệt hại về danh dự, sức khoẻ thậm chí vướng vào lao lý.

Có thể bạn quan tâm